Các giai đoạn phát triển của pháp luật về phòng, chống tham nhũng ở nước ta từ năm 1945 đến nay

Thứ hai - 22/11/2021 21:00 762 0

Các giai đoạn phát triển của pháp luật về phòng, chống tham nhũng ở nước ta từ năm 1945 đến nay

""Bữa tiệc cưới chúng ta sắp chén đẫy hôm nay Được dọn bằng xương máu của chiến sĩ""

            Có lẽ không cần phải nói gì nhiều, chỉ với hai câu thơ nổi tiếng của ông Đoàn Phú Tứ, người về sau được Hội Nhà văn mô tả bằng bảy chữ "Bút nghèo đâm gục thằng tham nhũng" vì đã dũng cảm tố cáo Trần Dụ Châu đã đủ nói lên tất cả. Tham nhũng là quốc nạn, là mối đe dọa tương đương với mọi hiểm họa nội xâm khác; thứ làm suy kiệt sinh khí quốc gia, làm tan nát lòng tin của nhân dân; thứ biến mảnh đất thấm đầy máu xương của cha ông gìn giữ bao đời thành chiếc bánh béo bở mà thế lực thù địch, ngoại xâm luôn thèm khát, lăm le.

23112021_01.png

            Chính vì vậy, ngay từ khi giành được độc lập, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã bắt tay vào ngay việc xây dựng những quy định nhằm nhận diện và diệt trừ tham nhũng, hòng để bảo vệ chính quyền non trẻ trước bao mối nguy cơ rình rập từ đế quốc thực dân. Kể từ đó, những quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng ngày càng được củng cố, mở rộng, tương ứng với từng giai đoạn trong lịch sử.

            Trong tình hình đất nước đang khó khăn, với kinh nghiệm học tập và làm việc lâu dài ở nhiều nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thấy nguy cơ xảy ra tình trạng tư lợi cá nhân, lấy của công làm của riêng. Vì vậy, ngay sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, Báo Cứu quốc số đăng ngày 17/10/1945 đã đăng bức thư của Người gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng; nhắc nhở các cấp chính quyền ở một số nơi "cậy thế, tham ô, hủ hoá, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo" và căn dặn: "Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì có hại đến dân ta phải hết sức tránh"[1]…đã chính thức định hình xây dựng tư tưởng về chống tham ô, lãng phí trong lòng cán bộ nhà nước lúc bấy giờ.

23112021_02.png

            Sự ra đời của Ban thanh tra đặc biệt theo Sắc lệnh số 64 ngày 23/11/1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng sức mạnh của thanh "thượng phương bảo kiếm" mang tên Sắc lệnh số 223 ngày 27/11/1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh về "xử phạt đối với tội đưa hối lộ cho công chức, tội công chức nhận hối lộ, biển thủ công quỹ hoặc của công dân" được đánh giá là kịp thời, có tác dụng kiểm soát chặt chẽ nguy cơ tham nhũng trong thời điểm "thù trong, giặc ngoài" đầy khó khăn này.

            Những nội dung về công tác phòng, chống tham nhũng không chỉ được ban hành trong Sắc lệnh số 223, mà còn được quy định lồng ghép trong các văn bản khác như: Quy định lời tuyên thệ của các Phụ thẩm trong  Sắc lệnh số 13 ngày 24/01/1946; quy định giam cứu một công chức là việc làm nếu phạm vào một tội nặng như biển thủ to trong Thông tư số 55P/4 ngày 22/7/1946 của Bộ Tư pháp; không cho phép người can tội biển thủ công quỹ được hưởng ân xá trong Sắc lệnh số 148 ngày 10/8/1946 và Sắc lệnh số 89/SL ngày 26/9/1947, hay quy định về quy chế công chức trong Sắc lệnh số 76/SL ngày 20/5/1950 v.v đã thể hiện rất rõ quan điểm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước nói chung, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng.

23112021_03.png

            Vào ngày 05/9/1950, tại Chiến khu Việt Bắc đã diễn ra một phiên tòa đặc biệt gây chấn động dư luận xã hội lúc bấy giờ - vụ tham nhũng của Trần Dụ Châu, nguyên Giám đốc Nha Quân nhu can tội ăn cắp công quỹ với đồng phạm Lê Sỹ Cửu và Bùi Minh Chân. Kết thúc phiên tòa, Trần Dụ Châu bị tuyên mức án tử hình; hai tên Lê Sỹ Cửu và Bùi Minh Chân đã tự sát khi tạm giam.

            Ngày 06/12/1962, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 207/CP về việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động "Nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế, tài chính, chống tham ô, lãng phí, quan liêu".. Sau đó, vào ngày 02/5/1980, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 134-CP thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ đấu tranh chống ăn cắp, hối lộ, ức hiếp quần chúng để chuyên trách mục tiêu chống tham nhũng. Đây chính là mô hình gần với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay (trước khi chuyển về Đảng). Ban Chỉ đạo trực tiếp theo dõi, đôn đốc và kiến nghị Hội đồng Chính phủ tiến hành xử lý kỷ luật hoặc theo pháp luật những cơ quan, đơn vị, những cán bộ sai phạm hoặc có trách nhiệm để xảy ra sai phạm nghiêm trọng trong ngành, đơn vị hoặc địa phương do những cán bộ ấy quản lý.

            Nhằm tiếp tục củng cố và tạo hành lang pháp lý vững chắc cho công tác chống tham nhũng, vào ngày 20/5/1981, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh về trừng trị tội hối lộ. Pháp lệnh đã nhận diện, xác định những hành vi hối lộ và mức hình phạt tương ứng với từng hành vi. Mặc dù việc nhận định đầy đủ khái niệm "tham nhũng" giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1986 là chưa đầy đủ, tuy nhiên đã cho thấy nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong công cuộc chống tham nhũng với nền tảng vững chắc do Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại trước khi Người tạ thế.

            Bước sang giai đoạn tiếp theo, khái niệm chống tham nhũng đã dần được cụ thể hóa tại Đại hội Đảng lần thứ VI. Đảng đã chỉ ra "tệ tham nhũng, hối lộ, đầu cơ, trục lợi" là những biểu hiện cần kiên quyết chống; qua đó cần thực hiện thường xuyên chế độ thanh tra tài chính, xử lý nghiêm theo pháp luật để nhanh chóng thiết lập trật tự, kỷ cương về tài chính, phát động quần chúng kiểm soát, giám sát; nghiêm trị những kẻ tham nhũng, đầu cơ trục lợi. Đây chính là tiền đề cho sự hình thành Quyết định số 240-HĐBT ngày 26/6/1990 của Hội đồng Bộ trưởng về đấu tranh chống tham nhũng và hai Chỉ thị cụ thể, bao gồm Chỉ thị số 416-CT ngày 03/12/1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc tăng cường các công tác thanh tra, điều tra, xử lý các việc tham nhũng và buôn lậu và Chỉ thị số 08-TATC/CT ngày 06/12/1990 của TAND tối cao về việc triển khai chống tham nhũng, chống buôn lậu qua biên giới và một số loại tội phạm kinh tế khác.

            Đến Đại hội Đảng lần thứ VIII, Đảng tiếp tục nhấn mạnh "Tiến hành đấu tranh kiên quyết thường xuyên và có hiệu quả chống tệ nạn tham nhũng trong bộ máy nhà nước, trong các ngành, các cấp từ trung ương đến cơ sở…nhằm ngăn chặn, đẩy lùi và loại trừ tệ tham nhũng". Trên cơ sở kế thừa và phát huy những mặt đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng, UBTV Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 02-L/CTN ngày 26/02/1998 về chống tham nhũng, đây chính là văn bản Luật đầu tiên đã có góc độ tiếp cận đầy đủ đối với tham nhũng, xác định được 11 hành vi tham nhũng khá tương đồng cũng như xác định được các biện pháp phòng ngừa, xử lý tham nhũng và trách nhiệm của các cơ quan liên quan như hiện nay. Đến ngày 28/4/2000, UBTV Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 22/2000/PL-UBTVQH10 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh số 02-L/CTN ngày 26/02/1998 về chống tham nhũng đã cho thấy sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế về phòng, chống tham nhũng.

            Ngày 29/11/2005, trên cơ sở thực tiễn đòi hỏi cần nâng Pháp lệnh chống tham nhũng thành Luật, Quốc hội đã ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng gồm 8 Chương, 92 Điều. Những quy định trong Pháp lệnh đã được kế thừa, điều chỉnh, sửa đổi rõ ràng hơn. Đồng thời, Luật đã xác định 06 nguyên tắc xử lý hành vi tham nhũng, bao trùm về cách thức phát hiện tham nhũng, xử lý tài sản tham nhũng, việc chủ động khai báo về hành vi tham nhũng, công khai kết quả xử lý tham nhũng và đặc biệt nhất là nguyên tắc "Người có hành vi tham nhũng ở bất kỳ cương vị, chức vụ nào phải bị xử lý theo quy định của pháp luật" và "Người có hành vi tham nhũng đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác vẫn phải bị xử lý về hành vi tham nhũng do mình đã thực hiện". Theo đó, trong suốt quá trình có hiệu lực, đã có 11 văn bản chi tiết được ban hành để cụ thể hóa những quy định trong Luật, gồm 09 Nghị định của Chính phủ, 03 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 06 Thông tư và 04 Thông tư liên lịch. Ngoài ra, sau một thời gian thực hiện, trong năm 2007 và 2012 Quốc hội đều đã thông qua việc sửa đổi và ban hành Luật phòng, chống tham nhũng. Đây cũng là sự phát triển của Luật Phòng, chống tham nhũng so với giai đoạn trước, khi hành lang pháp lý dần được hình thành.

            Bước sang năm 2013, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được ban hành mới, trở thành cột mốc mới đánh dấu sự phát triển, tiến bộ của nền lập pháp của Việt Nam. Trên cơ sở đó, những quy định pháp luật cũng được sửa đổi, thay thế sao cho phù hợp với Hiến pháp, đáp ứng tình hình kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Trong số đó, có thể kể đến là việc ban hành Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 đã có sự cải thiện đáng kể trong quan điểm tiếp cận tội phạm tham nhũng, cụ thể bổ sung chủ thể ngoài Nhà nước để đáp ứng yêu cầu Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng. Đối với quy định Luật Phòng, chống tham nhũng, sau 13 năm thực hiện đã phát sinh nhiều số tồn tại, vướng mắc;  yêu cầu cần phải xây dựng Luật Phòng, chống tham nhũng mới giải quyết toàn diện vướng mắc, khó khăn cũng như đồng bộ hóa điều ước quốc tế.

            Ngày 20/11/2018, Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng gồm 10 chương, 96 điều, tăng 02 chương và 04 điều so với Luật Phòng, chống tham nhũng trước đây. Theo đó, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và 02 Nghị định hướng dẫn hiện hành, bao gồm Nghị định số 59/2019/NĐ-CP và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ đã bổ sung những điều khoản quan trọng, có thể kể đến như thay đổi cơ bản quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập; quy định cụ thể việc xử lý vi phạm quy định về phòng, chống tham nhũng bên cạnh việc xử lý hành vi tham nhũng; nâng mức xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng và đặc biệt là lần đầu tiên quy định về khái niệm xung đột lợi ích và phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài Nhà nước. Đây là những sự bổ sung quan trọng, kịp thời khắc phục hiệu quả những tồn tại, hạn chế sau 13 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng.

            Về kết quả, tại Tây Ninh, theo số liệu thống kê 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020, toàn tỉnh đã ban hành 665 văn bản triển khai, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng; tổ chức tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng được 74.889 cuộc cho hơn 1.559.435 lượt người đa dạng nhiều hình thức từ cuộc họp, tờ gấp, phát thanh truyền hình, cuộc thi tìm hiểu pháp luật trên Báo Tây Ninh, v.v; ban hành 625 văn bản về chế độ, định mức, triển khai hơn 100 cuộc thanh tra, kiểm tra thực hiện quy định về phòng, chống tham nhũng, phát hiện sai phạm về chế độ, định mức gần 01 tỷ đồng; xác minh tài sản, thu nhập 09 người, xử lý kỷ luật 03 người kê khai không trung thực; tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên nhiều nền tảng trực tuyến; kỷ luật 10 trường hợp lãnh đạo để xảy ra tham nhũng; phát hiện và xử lý 26 vụ/64 người liên quan đến tham nhũng, thu hồi được hơn 06 tỷ đồng và 212 ha đất. Ngoài ra, qua nghiên cứu rà soát, ngành Thanh tra Tây Ninh đã gửi đến nhiều nội dung kiến nghị về bất cập trong quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng và một số nội dung đã được tiếp thu, điều chỉnh. Đây là nỗ lực của tỉnh Tây Ninh nói chung, ngành thanh tra Tây Ninh nói riêng trong công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn.

23112021_04.png

Đoàn Công tác Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm việc tại tỉnh Tây Ninh

            Trải qua 75 năm kể từ khi Sắc lệnh số 223 năm 1946 nội dung về chống tham nhũng lần đầu tiên được ban hành, pháp luật Việt Nam đã có sự chuyển mình rõ rệt, dù trải qua những bước thăng trầm nhưng đã ngày càng chặt chẽ. Trong tương lai, với kĩ thuật lập pháp không ngừng được phát triển của Việt Nam, thì hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung, về phòng, chống tham nhũng nói riêng sẽ ngày càng hoàn thiện; nhưng vai trò của con người - những cán bộ, công chức thực thi công vụ mới chính là nhân tố quyết định thắng lợi cho công tác phòng, chống tham nhũng cũng như việc hoàn thiện của hệ thống pháp luật trong thời gian tới.

Nguyễn Đăng Duy, Thanh tra viên Phòng NV3



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, NXB Chính trị quốc gia (2002), tr 64.


  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập10
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm9
  • Hôm nay145
  • Tháng hiện tại3,113
  • Tổng lượt truy cập1,907,122
tthc
công báo tỉnh
hộp thư điện tử
cong khai minh bach
gop y du thao
đường dây nóng
hỏi đáp doanh nghiệp
hỏi đáp nhà nước
hỏi đáp công dân- chính phủ
cải cách thủ tục hành chính
Tiếp dân xử lý đơn thư
TruongSa
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây