Bài viết kỷ niệm 76 năm thành lập ngành Thanh tra (23/11/1945-23/11/2021)

Thứ hai - 22/11/2021 21:00 387 0

Bài viết kỷ niệm 76 năm thành lập ngành Thanh tra (23/11/1945-23/11/2021)

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI NGÀNH THANH TRA

          Cách đây 76 năm, ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL thành lập "Ban thanh tra đặc biệt" - tiền thân của ngành Thanh tra Việt Nam. Trải qua 76 năm, tuỳ theo yêu cầu nhiệm vụ cách mạng của từng thời kỳ, với những tên gọi và hình thức tổ chức khác nhau nhưng Thanh tra Việt Nam không ngừng phát triển về mọi mặt, thể hiện được vai trò nòng cốt trong đấu tranh phòng ngừa, phát hiện, xử lý vi phạm, tiêu cực, tham nhũng, chấn chỉnh quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, hoàn thiện chính sách, pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

76Nam_2021.jpg

          Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác thanh tra, tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra toàn miền Bắc tháng 4 năm 1957, Hồ Chủ tịch chỉ rõ: "Nếu Trung ương Đảng, Chính phủ có Nghị quyết, Chỉ thị về các ngành, các địa phương kết quả thế nào không có thanh tra khó mà biết được địa phương nào làm tốt, làm vừa, làm xấu, có làm hay không làm trên không biết; địa phương nhiều khi tự mình cũng không biết. Trên không thấu dưới, dưới không thấu trên. Thanh tra là để theo dõi xem các kế hoạch, Chỉ thị, chính sách đó các địa phương đã chấp hành thế nào. Vì vậy, cán bộ thanh tra giúp trên hiểu biết tình hình địa phương và cấp dưới, đồng thời cũng giúp cho các địa phương kịp thời sửa chữa, uốn nắn nếu làm sai, hoặc làm chậm. Cho nên trách nhiệm của công tác thanh tra là quan trọng. Thanh tra không phải chỉ đi xem địa phương thực hiện Nghị quyết, Chỉ thị như thế nào. Nếu họ làm sai hay gặp khó khăn còn giúp đỡ họ làm cho đúng với Nghị quyết, Chỉ thị của trên đưa xuống. Thanh tra cũng không phải điều tra, nghiên cứu việc chấp hành Nghị quyết, Chỉ thị đã được đến đâu mà phải theo dõi cho đến khi công việc được làm xong, làm tốt". Từ đó, lời dạy của Bác "thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới" đã trở thành tư tưởng chỉ đạo, phương châm hoạt động, mục tiêu phấn đấu của ngành Thanh tra trong suốt chiều dài lịch sử vẻ vang của mình.

          Đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong bài Sao cho được lòng dân đăng trên Báo Cứu quốc số 65 ra ngày 12/10/1945, Người chỉ rõ: "Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dầu khó đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ tới đời sống nhân dân. Phải chấp đơn, phải xử kiện mỗi khi người ta đem đến". Bác còn căn dặn: "Đồng bào có oan ức mới khiếu nại hoặc vì chưa hiểu rõ chính sách của Đảng và Chính phủ mà khiếu nại. Ta phải giải quyết nhanh, tốt thì sẽ củng cố được lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước". Người căn dặn "các cô, các chú phải làm thế nào đừng để nhiều thư khiếu nại gửi thẳng đến Bác, vì các địa phương giải quyết không tốt nên họ phải đưa đến Bác".

          Chủ tịch Hồ Chí Minh còn rất quan tâm đến đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra.  Người yêu cầu cán bộ thanh tra phải có đạo đức cách mạng, phải là người gương mẫu; cán bộ thanh tra phải có năng lực, có kinh nghiệm và là người có uy tín. Người cũng yêu cầu cán bộ thanh tra phải cố gắng học tập, trau dồi đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ lý luận, nghiệp vụ, chuyên môn. Khi đề cập đến đạo đức cách mạng của người cán bộ thanh tra, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Phẩm chất của người cán bộ thanh tra là phải tự mình nghiêm chỉnh, phải có đạo đức cách mạng", "Cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt, gương mờ thì không soi được".

          Ví dụ: "Phái người lười đi thanh tra công việc người khác thì cũng không được. Cán bộ thanh tra phải có đạo đức cách mạng, phải hiểu nhân tình thế cố đã đành, nhưng tự mình còn phải gương mẫu cho người khác" - (Một số văn kiện về công tác thanh tra, tr. 7-10).

          Trong tình hình hiện nay, những lời dạy của Hồ Chủ tịch đối với cán bộ, đảng viên nói chung và cán bộ thanh tra nói riêng phải trở thành kim chỉ nam cho việc rèn luyện đạo đức tác phong của người cán bộ thanh tra và của cả ngành thanh tra. Đó là đạo đức cách mạng không thể thiếu của người cán bộ thanh tra, đồng thời cũng rèn luyện cả tác phong công tác mà Người đã từng răn dạy cán bộ thanh tra: phải đến tận nơi, xem tận chỗ; phải khách quan, tỉ mỉ cẩn thận; phải dân chủ và phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân, phát huy vũ khí phê bình và tự phê bình…

76Nam_231120201.jpg

          Qua học tập lời dạy của Bác đối với cán bộ thanh tra, cùng với ngành Thanh tra cả nước, Thanh tra tỉnh Tây Ninh đã không ngừng xây dựng về tổ chức và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị được giao. Bước vào giai đoạn mới Thanh tra tỉnh Tây Ninh đã và đang thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra: Thứ nhất, triển khai thực hiện 100% các cuộc thanh tra theo kế hoạch được phê duyệt có trọng tâm, trọng điểm, qua thanh tra xử lý nghiêm các sai phạm được phát hiện. Thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ về thanh tra hành chính, chú trọng nâng cao chất lượng kết luận thanh tra. Thứ 2, phối hợp với các ngành, địa phương tham mưu giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc nổi lên ở cơ sở, chú trọng nắm tình hình đông người trên địa bàn tỉnh, tham mưu tác động kéo giảm tỷ lệ giải quyết đơn quá hạn, tiếp tục theo dõi đôn đốc thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo của Chủ tịch UBND tỉnh có hiệu lực. Thứ 3, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện kịp thời đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, các nhiệm vụ liên quan công tác phòng, chống tham nhũng.  Thứ tư, tiếp tục quan tâm hơn nữa về công tác xây dựng tổ chức cán bộ, củng cố, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ đội ngũ cán bộ, nâng cao đạo đức công vụ, chấn chỉnh lề lối làm việc, tăng cường đoàn kết, thống nhất; kiên quyết làm trong sạch, lành mạnh đội ngũ; nâng cao trình độ, năng lực, bản lĩnh chính trị của cán bộ, công chức, thanh tra viên; đổi mới phong cách, phương pháp chỉ đạo, điều hành, tác nghiệp; tăng cường quan hệ phối hợp với các ngành, các cấp, triển khai thực hiện bằng được Chiến lược phát triển ngành Thanh tra để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới./.

Hoàng Phương Nam


  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây