Thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và Bản tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức mở ra một trang sử mới cho dân tộc Việt Nam, một trang sử độc lập, tự cường. Tuy nhiên, một Nhà nước non trẻ, hình thành từ đống đổ nát của chiến tranh đã gặp vô vàn những khó khăn thách thức về thù trong giặc ngoài và nguy cơ biến chất, tha hóa của một bộ phận cán bộ cách mạng. Do đó, yêu cầu kiểm soát hoạt động các cơ quan Nhà nước là một vấn đề cấp bách được đặt ra, chính là tiền đề cho sự ra đời của ngành Thanh tra Việt Nam.
Ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh số 64 thành lập Ban Thanh tra đặc biệt. Để đáp ứng yêu cầu cấp thiết về ngăn chặn nguy cơ biến chất của một bộ phận cán bộ, Ban Thanh tra đặc biệt được giao rất nhiều thẩm quyền như điều tra, hỏi chứng, xem xét các tài liệu giấy tờ của các UBND hoặc các cơ quan của Chính phủ; có quyền đình chức, bắt giam bất cứ nhân viên nào trong UBND hay của Chính phủ đã phạm lỗi trước khi mang ra Hội đồng Chính phủ hay Toà án đặc biệt xét xử; tịch biên hoặc niêm phong những tang vật và dùng mọi cách điều tra để lập một hồ sơ mang một phạm nhân ra Toà án đặc biệt. Ngoài ra, Ban thanh tra đặc biệt có quyền đề nghị lên Chính phủ những điều cần sửa đổi trong các cơ quan. Có thể thấy, nguyên tắc hoạt động của ngành Thanh tra hiện nay chính là sự kế thừa tinh thần từ Sắc lệnh 64 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bao gồm "phát hiện sai phạm" và "kiến nghị điều chỉnh sơ hở cơ chế, chính sách".
Về mặt nhân sự, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh số 80 ngày 31/12/1945 cử ông Bùi Bằng Đoàn, vị Thượng thư Bộ Hình công chính, liêm minh của triều đình nhà Nguyễn và ông Cù Huy Cận, một nhân tài trẻ tuổi của Mặt trận Việt Minh tham gia Ban Thanh tra đặc biệt. Đây là những nhân tài do Chủ tịch Hồ Chí Minh "đãi cát tìm vàng", tạo nên sự kết hợp tài tình giữa phẩm chất chín chắn, từng trải của ông Bùi Bằng Đoàn, cùng với sức trẻ, xung kích, dám nghĩ dám làm của ông Cù Huy Cận. Sắc lệnh này cũng cho thấy nghệ thuật dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vô cùng sắc bén, sâu sắc.
Đặc biệt, lá thư nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi ông Bùi Bằng Đoàn mời phục vụ cho Nhà nước chính là minh chứng rõ ràng nhất cho tài năng lãnh đạo, đức tính khiêm nhường, vì dân tộc cầu hiền tài:
"Thưa Ngài! Tôi tài đức ít ỏi, mà trách nhiệm nặng nề. Thấy Ngài học vấn cao siêu, kinh nghiệm phong phú. Vậy nên, tôi mời Ngài làm Cố vấn cho tôi, để giúp thêm ý kiến trong công việc hưng lợi, trừ hại cho nước nhà dân tộc.
Cảm ơn và chúc Ngài mạnh khỏe
Kính thư!
Hồ Chí Minh "
Sự ra đời của Ban Thanh tra đặc biệt đã tạo tiền đề cho Chính phủ thành lập Ban Thanh tra tại một số Bộ chuyên môn và Ban Thanh tra các xứ Bắc Bộ và Nam Bộ trong những năm 1945 -1946 nhằm chuyên môn hóa, phát huy tối đa năng lực và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra.
Do tình hình chiến diễn ra căng thẳng, Pháp dưới sự tiếp tay của Anh và Mỹ đang dần bộc lộ rõ dã tâm muốn quay lại cai trị nước ta, Chính phủ đã cử một số Đặc phái viên đến các địa phương để cố vấn, chỉ đạo kháng chiến. Cho nên, để đáp ứng yêu cầu kiểm soát trong quân đội, ngày 18/7/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 229-SL/M về việc điều ông Lê Thiết Hùng làm Thanh tra quân đội của Bộ Tổng chỉ huy.
Ngày 04/8/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh số 231-SL/M về việc cử ông Tôn Đức Thắng, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ, bổ sung chức Thanh tra đặc biệt Toàn quốc. Đây là sắc lệnh thể hiện mục tiêu nâng cao chất lượng kiểm soát quá trình hoạt động của bộ máy Nhà nước, đáp ứng cho mục tiêu xây dựng, bảo vệ hệ thống chính quyền nhân dân.
Sau giai đoạn hình thành, hoạt động của Ban Thanh tra đặc biệt đã đặt nền móng đầu tiên cho công cuộc kiểm soát hành chính, ngăn chặn tiêu cực, bảo vệ thành quả cách mạng và niềm tin nhân dân. Tuy nhiên, do mức độ và phạm vi hoạt động quá rộng, khó tránh khỏi những hạn chế phát sinh, đòi hỏi cần có một tổ chức thanh tra mang tính tập trung, sâu sát hơn. Chính vì vậy, ngày 18/12/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh số 138B-SL bãi bỏ Sắc lệnh số 64, chính thức giải thể Ban Thanh tra đặc biệt, thành lập Ban Thanh tra Chính phủ trực thuộc phủ Thủ tướng; đồng thời ký Sắc lệnh số 138C/SL bổ nhiệm ông Hồ Tùng Mậu làm Tổng Thanh tra và ông Trần Đăng Ninh làm Phó Tổng Thanh tra.
Sự ra đời của Ban Thanh tra Chính phủ đã đẩy mạnh hoạt động thanh tra trên phạm vi cả nước; các tổ chức thanh tra đã tập trung thanh tra việc thực hiện chính sách giảm tô, giảm tức, huy động công dân tích cực phục vụ tiền tuyến, công tác quản lý tài chính ở một số cơ quan hậu cần Quân đội, công tác thống nhất quản lý ngân sách, thu hồi các quỹ ở tỉnh, góp phần đáng kể vào việc động viên nhân dân ra sức sản xuất, đảm bảo đời sống, huy động sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược. Đặc biệt, đại án tham nhũng đầu tiên của đại tá Trần Dụ Châu vào năm 1949 - 1950 với mức án tử hình đã minh chứng cho đóng góp đặc biệt của ngành thanh tra trong công cuộc bảo vệ tính thượng tôn của pháp luật, giữ vững lòng tin trong nhân dân đối với Đảng.
Ngoài những sắc lệnh chỉ đạo, điều hành hoạt động ngành, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn dành sự quan tâm sâu sắc đối với sự cống hiến của những cán bộ đã đóng góp cho sự nghiệp thanh tra, góp phần nâng cao chất lượng cũng như hiệu quả hoạt động của ngành. Tiêu biểu, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh số 50-SL ngày 27/8/1951 truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh hạng Ba cho ông Hồ Tùng Mậu, cố Tổng Thanh tra Chính phủ đã hi sinh vào ngày 23/7/1951 trên đường công tác đến Liên khu IV.
Trong những năm 1953 - 1954, tình hình chiến sự Việt Nam đã có những bước chuyển biến mới, quân đội chủ lực của chúng ta đã trưởng thành sau nhiều chiến dịch, Pháp và Mỹ đã xây dựng cứ điểm Điện Biên Phủ như một pháo đài bất khả xâm phạm làm bàn đạp phản công. Chính vì vậy, vào ngày 27/7/1953, Trung ương Đảng đã chỉ đạo Chính phủ ra Nghị quyết thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận Trung ương do đồng chí Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch nhằm huy động toàn bộ nguồn lực cho tiền tuyến. Lúc này hầu hết cán bộ của Ban Thanh tra Chính phủ cũng như các Bộ ngành khác đã được điều động phục vụ cho Hội đồng, hoạt động của Ban Thanh tra Chính phủ đã tạm thời dừng lại.
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, công cuộc kiến thiết đất nước, kiện toàn hoạt động bộ máy Nhà nước là vô cùng quan trọng. Do đó, vào ngày 28/3/1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 261/SL thành lập Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ, thay thế cho Sắc lệnh số 138B-SL/QD. Ban Thanh tra Trung ương kế thừa nhiệm vụ cơ bản của Ban Thanh tra Chính phủ, đồng thời phát huy vai trò trong việc đảm bảo sự chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chính sách và mệnh lệnh của Chính phủ, để giữ gìn pháp luật và bảo hộ tài sản của Nhà nước của các cơ quan Nhà nước.
Về mặt cơ cấu thành viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 263/SL ngày 25/4/1956 bổ nhiệm ông Nguyễn Lương Bằng làm Tổng Thanh tra, ông Nguyễn Côn và ông Trần Tử Bình làm Tổng Thanh tra phó; Sắc lệnh số 009/SL ngày 13/3/1957 bổ nhiệm tiếp ông Nguyễn Cáo, ông Trương Chí Cương và ông Đặng Văn Quang giữ chức Ủy viên Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ, Sắc lệnh số 01/SL ngày 02/01/1959 bổ nhiệm ông Trần Mạnh Quỳ đảm nhiệm vị trí Phó Tổng Thanh tra Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ.
Trong thời gian hoạt động, Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ đã từng bước khôi phục, củng cố và phát huy vai trò, nhiệm vụ của ngành Thanh tra, đáp ứng yêu cầu của đất nước thời bấy giờ. Công tác thanh tra bám sát những nhiệm vụ cấp thiết, phục vụ kịp thời sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh chống Mỹ cứu nước ở miền Nam. Tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra toàn miền Bắc tháng 4/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích tầm quan trọng của công tác thanh tra, yêu cầu các cấp chính quyền cũng như các cấp bộ Đảng phải giúp đơn cho cán bộ thanh tra làm tròn nhiệm vụ. Qua đó, Người đã chỉ rõ thái độ, phẩm chất của người thanh tra là phải có đạo đức cách mạng, cẩn thận, khách quan, chống quan liêu, "Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới".
Những sắc lệnh trên cũng chính là một trong những sắc lệnh cuối cùng có liên quan đến ngành Thanh tra mà Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành trước khi tạ thế vào ngày 02/9/1969. Những sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh về ngành thanh tra mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là những kinh nghiệm quý báu, tiền đề vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành thanh tra Việt Nam sau này.
Nguyễn Đăng Duy
Phòng Nghiệp vụ 3, Thanh tra tỉnh Tây Ninh
Ý kiến bạn đọc