THẨM QUYỀN CỦA CƠ QUAN TIẾN HÀNH TỐ TỤNG TRONG TIẾP NHẬN, XỬ LÝ VÀ GIẢI QUYẾT ĐƠN THƯ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, KIẾN NGHỊ, PHẢN ÁNH

Thứ tư - 27/07/2022 08:50 1.844 0
Thời gian gần đây, Thanh tra tỉnh nhận được rất nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân gửi đến có nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan tiến hành tố tụng, chủ yếu là khiếu nại kết luận điều tra, quyết định không khởi tố vụ án hình sự của cơ quan điều tra; khiếu nại bản án, quyết định của Tòa án nhân dân. Nguyên nhân cơ bản là do người dân chưa nắm rõ quy định của pháp luật liên quan đến thẩm quyền xử lý, giải quyết đơn thư của các cơ quan tiến hành tố tụng, nên gửi đơn đến cơ quan không có thẩm quyền giải quyết, làm mất thời gian, quyền lợi của người dân.

Để hạn chế, khắc phục tình trạng trên, công dân cần nắm rõ các quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; đặc biệt là các quy định về chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền giải quyết của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Cơ quan tiến hành tố tụng là các cơ quan có chức năng tiến hành các hoạt động tố tụng để giải quyết một vụ án, gồm: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án. Các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiệm vụ như sau:

- Cơ quan điều tra có nhiệm vụ tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; áp dụng mọi biện pháp do Bộ luật tố tụng hình sự quy định, tiến hành điều tra tất cả các tội phạm xảy ra theo thẩm quyền (Điều 8 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015).

- Viện kiểm sát có nhiệm vụ thực hiện quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng. Viện kiểm sát thực hiện hai chức năng chính sau đây: thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp của nước Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (Điều 2 Luật Tổ chức VKSND năm 2014).

- Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (Điều 2 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014).

Theo quy định của pháp luật, cơ quan tiến hành tố tụng và người đứng đầu cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền tiếp nhận, xử lý và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có liên quan đến quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Do đó, khi công dân có vấn đề khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan nào thì gửi đơn đến cơ quan đó.

Trường hợp đơn được thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 6 Thông tư số 05/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh (Thông tư 05) và gửi không đúng thẩm quyền thì căn cứ quy định tại Thông tư 05, Luật Tố cáo năm 2018 và các văn bản hướng dẫn khác có liên quan, cơ quan tiếp nhận sẽ xử lý đơn như sau:

- Trường hợp đơn đề gửi đến nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong đó có cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người có thẩm quyền giải quyết thì thực hiện lưu đơn và không xem xét, giải quyết do không đủ điều kiện xử lý (theo điểm b khoản 2 Điều 6, khoản 1 Điều 28 Thông tư số 05; khoản 3 Điều 24 Luật Tố cáo năm 2018);

Ví dụ: Đơn khiếu nại có nội dung khiếu nại Kết luận điều tra của Cơ quan điều tra Công an Huyện B được gửi đến Cơ quan điều tra Công an Huyện B, cơ quan C và cơ quan D, trong đó: Cơ quan điều tra Công an Huyện B là cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định. Trong trường hợp này, khi tiếp nhận đơn của ông A, cơ quan C và D sẽ phân loại đơn này là đơn không đủ điều kiện xử lý và thực hiện lưu đơn (theo điểm b khoản 2 Điều 6, khoản 1 Điều 28 Thông tư số 05).

- Trường hợp đơn không đề gửi đến cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người có thẩm quyền giải quyết thì thực hiện việc hướng dẫn hoặc chuyển đơn đến cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền giải quyết (Điều 22 Thông tư số 05, khoản 2 Điều 24 Luật Tố cáo năm 2018).

Ví dụ: Đơn tố cáo của bà A có nội dung tố cáo Thẩm phán B hiện đang công tác tại TAND tỉnh C có dấu hiệu không khách quan trong quá trình giải quyết vụ án tranh chấp dân sự giữa bà A với ông D làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà A; đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của Chánh án TAND tỉnh C nhưng chỉ đề gửi đến Thanh tra tỉnh C thì khi tiếp nhận đơn này, Thanh tra tỉnh C sẽ phân loại đơn này là đơn gửi không đúng cơ quan có thẩm quyền xử lý và thực hiện việc chuyển đơn đến Chánh án TAND tỉnh C để giải quyết theo thẩm quyền (theo khoản 2 Điều 24 Luật Tố cáo năm 2018).

Để đảm bảo quyền, nghĩa vụ của công dân và việc giải quyết của cơ quan có thẩm quyền đạt hiệu quả, Thanh tra tỉnh tuyên truyền để công dân hiểu rõ, tuân thủ đúng các quy định pháp luật có liên quan khi gửi đơn để đảm bảo đơn đủ điều kiện xử lý và đảm bảo quyền, lợi ích của mình./.

Thùy Linh

Tác giả: Phạm thùy Linh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập8
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm6
  • Hôm nay1,598
  • Tháng hiện tại28,153
  • Tổng lượt truy cập1,319,609
tthc
công báo tỉnh
hộp thư điện tử
cong khai minh bach
gop y du thao
đường dây nóng
hỏi đáp doanh nghiệp
hỏi đáp nhà nước
hỏi đáp công dân- chính phủ
cải cách thủ tục hành chính
Tiếp dân xử lý đơn thư
TruongSa
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây