HƯỚNG DẪN GỬI ĐƠN KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, PHẢN ÁNH, KIẾN NGHỊ ĐÚNG THEO THẨM QUYỀN

Thứ ba - 07/06/2022 09:54 88.659 0
Trong những năm gần đây, Thanh tra tỉnh Tây Ninh đã tiếp nhận, xử lý rất nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo (KNTC), phản ánh và kiến nghị (PAKN) không thuộc thẩm quyền, vượt cấp, nội dung đơn chủ yếu thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp phường, xã, huyện, thị xã, thành phố do người dân muốn gửi đơn đến cơ quan quản lý nhà nước cao hơn, cụ thể:

người dân gửi đơn lên cơ quan cấp trên không có thẩm quyền giải quyết, gửi nhiều cơ quan, theo quy định của pháp luật thì đơn không đủ điều kiện xử lý, nhưng để tuyên truyền pháp luật, cơ quan tiếp nhận đã có văn bản hướng dẫn theo quy định cho người dân biết thực hiện, nhưng người dân tiếp tục gửi đơn vượt cấp, nội dung đơn nêu không đúng bản chất sự việc, tiêu đề là đơn tố cáo nhưng nội dung đơn là phản ánh, kiến nghị hoặc là khiếu nại dẫn đến không cung cấp được chứng cứ tài liệu chứng minh hành vi vi phạm pháp luật của người bị tố cáo….

Để hạn chế, tiến tới chấm dứt việc gửi đơn không đúng cơ quan có thẩm quyền, vượt cấp, Thanh tra tỉnh hướng dẫn như sau:

Căn cứ quy định của Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo; Luật Tiếp công dân; Thông tư số 05/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh và các văn bản hướng dẫn khác có liên quan thì khi nhận được đơn, thư vượt cấp, không thuộc thẩm quyền giải quyết, Cơ quan tiếp nhận sẽ không thụ lý, giải quyết.

1. Đối với thẩm quyền giải quyết đơn khiếu nại

Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật Khiếu nại quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình (khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại năm 2011).

Thẩm quyền giải quyết khiếu nại được quy định cụ thể từ Điều 17 đến Điều 26 Luật Khiếu nại năm 2011, như sau:

1.1. Đối với khiếu nại lần đầu: Thẩm quyền giải quyết đối với khiếu nại lần đầu là người đã có hành vi hành chính, quyết định hành chính hoặc cơ quan trực tiếp quản lý người có hành vi hành chính.

Ví dụ 1: Chủ tịch UBND xã, ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với ông B, nếu không đồng ý, ông B làm đơn khiếu nại gửi Chủ tịch UBND xã để giải quyết.

Ví dụ 2: UBND huyện ban hành Quyết định về việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho bà A, bà A không đồng ý với Quyết định trên, bà A có Đơn khiếu nại gửi đến Chủ tịch UBND huyện để được giải quyết. Như vậy, bà A khiếu nại về việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, là quyết định hành chính của chính mình thì thẩm quyền giải quyết là của Chủ tịch UBND huyện.

1.2. Đối với khiếu nại lần hai: Thẩm quyền giải quyết đối với khiếu nại lần hai là Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu.

Ví dụ 3: Chủ tịch UBND huyện (ở Ví dụ 2) đã ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại (lần đầu) đối với bà A, nếu bà A không đồng ý với Quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND huyện, bà A tiếp tục có Đơn khiếu nại gửi đến Chủ tịch UBND tỉnh để được giải quyết. Như vậy, bà A khiếu nại quyết định hành chính mà Chủ tịch UBND huyện đã giải quyết khiếu nại lần đầu thì thẩm giải quyết lần 2 là của Chủ tịch UBND tỉnh.

 - Khởi kiện đối với khiếu nại lần đầu, lần hai: nếu người khiếu nại không khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính ở cơ quan hành chính nhà nước, thì có quyền khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cá nhân, tổ chức tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

Ví dụ 4: ông A bị Chủ tịch UBND huyện ban hành Quyết định xử lý vi phạm hành chính, nếu không đồng ý, ông A có thể làm đơn khởi kiện ngay Quyết định xử lý vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND huyện tại Tòa án nhân dân tỉnh.

Nếu đơn khiếu nại đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết lần 2 là hết thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước, quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật, nếu không đồng ý với giải quyết lần 2, thì làm đơn khởi kiện tại Tòa án đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính ban đầu.

Ví dụ 5: bà A khiếu nại Quyết định bồi thường của Chủ tịch UBND huyện, được Chủ tịch UBND huyện giải quyết lần đầu, Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết khiếu nại lần 2, nếu không đồng ý với quyết định giải quyết lần 2 của Chủ tịch UBND tỉnh, thì bà A có quyền làm đơn khởi kiện vụ án hành chính đối với Quyết định bồi thường của Chủ tịch UBND huyện tại Tòa án nhân dân tỉnh.

2. Đối với thẩm quyền giải quyết Đơn tố cáo

Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật Tố cáo báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm: Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực (khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo năm 2018).

Thẩm quyền giải quyết tố cáo được quy định cụ thể từ Điều 13 đến Điều 21 Luật Tố cáo năm 2018. Theo đó, nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo được quy định cụ thể tại Điều 12 Luật Tố cáo năm 2018, với các nội dung chính như sau:

“ 1. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức đó giải quyết.

Ví dụ 6: đơn tố cáo đối với công chức địa chính xã A thì Chủ tịch UBND xã A giải quyết;

Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó giải quyết.

Ví dụ 7: tố cáo hành vi vi phạm của Chủ tịch; Phó Chủ tịch UBND cấp xã thì thẩm quyền giải quyết là của Chủ tịch UBND cấp huyện;

2. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của nhiều cơ quan, tổ chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý cán bộ, công chức, viên chức bị tố cáo chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp giải quyết ” .

Ví dụ 8: tố cáo Trưởng phòng Giáo dục huyện, thì thẩm quyền giải quyết là Chủ tịch UBND huyện; Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo phối hợp;

Đối với các trường hợp cụ thể khác được quy định chi tiết tại khoản 3, 4, 5, 6 Điều 12 Luật Tố cáo năm 2018.

Để đảm bảo quyền, nghĩa vụ của công dân và việc giải quyết của cơ quan có thẩm quyền đạt hiệu quả, Thanh tra tỉnh tuyên truyền để công dân hiểu rõ và hạn chế việc gửi đơn, thư vượt cấp không đúng quy định.

Tác giả: Hoàng Phương Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 17 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 3.4 - 5 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây