PHÂN BIỆT RÕ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VỚI THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, PHẢN ÁNH, KIẾN NGHỊ CỦA CHÁNH THANH TRA TỈNH ĐỂ HẠN CHẾ TÌNH TRẠNG GỬI ĐƠN KHÔNG ĐÚNG THẨM QUYỀN

Thứ năm - 28/04/2022 22:00 162 0
Năm 2021, Thanh tra tỉnh đã tiếp nhận, xử lý 79 đơn, trong đó có 77 đơn không đúng thẩm quyền giải quyết, chỉ có 02 đơn thuộc thẩm quyền của Chánh Thanh tra tỉnh. Qua số liệu phân loại, xử lý đơn thư nêu trên nhận thấy người dân hay bị nhầm lẫn giữa chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra tỉnh trong quản lý nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị dẫn đến việc gửi đơn đến Thanh tra tỉnh nhưng không thuộc thẩm quyền giải quyết của Chánh Thanh tra tỉnh.

 

          Để hiểu rõ hơn về chức năng, nhiêm vụ và thẩm quyền trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị, Thanh tra tỉnh Tây Ninh hướng dẫn một số nội dung cụ thể như sau:

          - Chức năng, nhiệm vụ được giao trong quản lý nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh:

          Thanh tra tỉnh là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra các cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; xem xét, kết luận việc giải quyết tố cáo mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, Giám đốc sở đã giải quyết nhưng có dấu hiệu vi phạm pháp luật; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý tố cáo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; tham mưu, giúp Chủ tịch UBND tỉnh trong kiểm tra, xác minh, kết luận, kiến nghị việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh khi được Chủ tịch UBND tỉnh giao.

          - Về thẩm quyền của Chánh Thanh tra tỉnh trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh: Chánh Thanh tra tỉnh có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của cán bộ, công chức do Chánh Thanh tra tỉnh quản lý trực tiếp; giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của công chức do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp; giải quyết kiến nghị, phản ánh về những nội dung thuộc trách nhiệm quản lý của Thanh tra tỉnh.

          Ví dụ 1: Chánh Thanh tra tỉnh A ban hành quyết định thu hồi tiền đối với đơn vị B, không đồng ý, đơn vị B làm đơn khiếu nại thì Chánh Thanh tra tỉnh A giải quyết.

          Ví dụ 2: Đơn tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện công vụ của công chức tại Thanh tra tỉnh A thì Chánh Thanh tra tỉnh A giải quyết;

          Ví dụ 3: Công dân A gửi đơn phản ánh trường hợp công chức B thuộc Thanh tra tỉnh C trong quá trình thanh tra thường hẹn gặp riêng, nhũng nhiễu ông D - là đối tượng thanh tra, có dấu hiệu không khách quan trong công tác thanh tra thì Chánh Thanh tra tỉnh C giải quyết.

          Thanh tra tỉnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ, tránh tình trạng gửi đơn không đúng thẩm quyền giải quyết./. 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây