Công ước có kết cấu gồm 07 phần, 53 điều, bao gồm Lời nói đầu và 06 phần nội dung: Phần I (Điều 1) quy định quyền tự quyết của mỗi quốc gia, dân tộc; Phần II (Điều 2 đến Điều 5) quy định trách nhiệm các quốc gia thành viên trong việc thi hành Công ước; Phần III (Điều 6 đến Điều 27) quy định các quyền chủ yếu được Công ước bảo hộ; Phần IV (Điều 28 đến Điều 45) quy định nguyên tắc thành lập và hoạt động của Ủy ban Nhân quyền; Phần V (Điều 46 và 47) quy định nghiêm cấm sử dụng Công ước để làm xung đột, ảnh hưởng đến Hiến chương Liên Hợp quốc và các quyền đương nhiên của mọi quốc gia; Phần VI (Điều 48 đến Điều 53) quy định cách thức phê chuyển, tham gia của các quốc gia và hiệu lực thi hành của Công ước.
Ngày 24/9/1982, Việt Nam đã tham gia ký kết Công ước, từ đó khẳng định quan điểm bảo vệ quyền con người luôn là mục tiêu trọng tâm của Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã thể chế hóa những quy định của Công ước vào hệ thống pháp luật, điển hình và cụ thể nhất là Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam các thời kỳ, Bộ luật dân sự và Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, các văn bản luật nội dung khác như Luật tín ngưỡng, tôn giáo; Luật trợ giúp pháp lý; Luật Tiếp cận thông tin; Luật Trưng cầu ý dân; Luật Bình đẳng giới; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước…cũng quy định những nội dung đảm bảo quyền dân sự, chính trị của con người, không để xảy ra tình trạng phân biệt đối xử, xâm phạm và tước đoạt trái quy định những quyền cơ bản của con người.
Trên tinh thần của Công ước và những quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan, rút kinh nghiệm từ quá trình hoạt động trong những năm qua, Thanh tra tỉnh Tây Ninh luôn thường xuyên quán triệt đến công chức, người lao động trong cơ quan cũng như các đơn vị thanh tra trên địa bản tỉnh những nguyên tắc cần đảm bảo trong quá trình thực thi công vụ; không để xảy ra khiếu nại, tố cáo về hành vi sai phạm, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến hoạt động công vụ của cơ quan, đơn vị.
Trong hoạt động thanh tra, Đoàn thanh tra cần phải đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch theo quy định pháp luật, nhận thức rõ trách nhiệm phát hiện và chứng minh hành vi vi phạm là của Đoàn thanh tra, không phải của đối tượng thanh tra. Trong quá trình làm việc với đối tượng thanh tra, thành viên Đoàn cần có thái độ tôn trọng, cầu thị và kiên định, tuyệt đối không đe dọa hoặc sử dụng các biện pháp ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần đối tượng thanh tra, buộc đối tượng khai báo theo định hướng về một vấn đề không có chứng cứ cụ thể. Trong quá trình thảo luận nội bộ Đoàn, thành viên Đoàn có quyền góp ý, đưa ý kiến, bảo lưu quan điểm và quyền này được Trưởng Đoàn thanh tra, người ra quyết định thanh tra đảm bảo theo quy định pháp luật về thanh tra. Việc ban hành kết luận thanh tra phải được căn cứ trên cơ sở pháp luật, đảm bảo hợp tình, hợp lý, thể hiện rõ mục đích của hoạt động thanh tra là "phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục", "phát hiện và xử lý kịp thời hành vi vi phạm pháp luật", bảo quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức theo quy định pháp luật.
Đối với hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, công chức hoặc Đoàn xác minh cần đảm bảo thực hiện theo quy định pháp luật trong quá trình xác minh, làm việc với những người có liên quan. Đặc biệt trong quá trình giải quyết tố cáo, Đoàn xác minh phải tuyệt đối giữ bí mật về nhân thân của người tố cáo, nhận thức rõ vai trò của việc bảo vệ bí mật người tố cáo như một nhiệm vụ quan trọng, chủ động ngăn chặn nguy cơ người tố cáo và người thân của họ bị xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tinh thần theo quy định pháp luật. Việc giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo, đặc biệt về tham nhũng cần có cơ sở pháp lý vững vàng, chứng cứ thuyết phục.
Đối với những vụ việc có dấu hiệu tội phạm phát hiện qua quá trình thanh tra và quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, cơ quan thanh tra cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, cơ quan truy tố, xét xử để đảm bảo không có oan sai cũng như không bỏ lọt tội phạm, hành vi phạm tội.
Nguyễn Đăng Duy
Kèm theo bài viết:
- Toàn văn Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị;
- Bài viết (03 bài) của Báo Pháp luật Việt Nam – cơ quan của Bộ Tư pháp "Thực thi Công ước tại Việt Nam": Bài 1; Bài 2; Bài 3.
Tải file kèm theo: Toan van Cong uoc QT ve quyen DSCT_23031976.doc
Ý kiến bạn đọc