Những nội dung cơ bản Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn

Thứ tư - 17/04/2019 15:00 237 0
Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (gọi tắt là Công ước chống tra tấn) đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc chấp thuận ngày 10/12/1984 theo Nghị quyết số 39/64 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 26/6/1987. Đây là văn kiện pháp lý tầm quốc tế quan trọng, nhất là trong thời đại mới với những xu hướng tra tấn tinh vi tác động không chỉ thể xác mà còn về tinh thần. Văn kiện này là bằng chứng thể hiện quyết tâm của quốc tế trong mục tiêu loại bỏ hành vi tra tấn, phân biệt đối xử cùng những hành động vô nhân đạo với con người vì bất kỳ lý do gì ra khỏi xã hội.

          Công ước gồm Lời nói đầu, 03 phần với 33 điều, cụ thể như sau:

          - Phần I (từ Điều 1 đến Điều 16) quy định khái niệm "tra tấn", yêu cầu các quốc gia công nhận công ước này và có nghĩa vụ trong việc phòng chống,                   phát hiện và xử lý các hành vi tra tấn, tội ác tra tấn.

          - Phần II (từ Điều 17 đến Điều 24) quy định chế độ báo cáo, giám sát Công ước và các bước do các bên tiến hành để thực hiện Công ước.

          - Phần III (từ Điều 25 đến Điều 33) quy định hiệu lực, thủ tục gia nhập, bảo lưu, rút lui, thủ tục sửa đổi, bổ sung và giải quyết tranh chấp; cũng bao gồm một cơ chế trọng tài tùy chọn (không bắt buộc) đối với tranh chấp giữa các bên.

          1. Khái niệm cơ bản về tra tấn

         Theo Điều 1 của Công ước, "tra tấn" có nghĩa là bất kỳ hành vi nào cố ý gây đau đớn hoặc đau khổ nghiêm trọng về thể xác hay tinh thần cho một người. Theo đó, mục đích của hành vi tra tấn có thể để lấy thông tin hoặc lời thú tội từ người đó hay một người thứ ba; để trừng phạt người đó vì một hành vi mà người đó hay người thứ ba thực hiện hay bị nghi ngờ đã thực hiện; để đe doạ hay ép buộc người đó hay người thứ ba; hoặc vì bất kỳ một lý do nào dựa trên sự phân biệt đối xử dưới mọi hình thức, khi nỗi đau đớn và đau khổ đó do một công chức hay người nào khác hành động với tư cách chính thức gây ra, hay với sự xúi giục, đồng tình hay ưng thuận của một công chức.

          Như vậy, có thể hiểu "tra tấn" gồm những yếu tố cấu thành như sau:

          - Về mặt chủ quan: Hành vi tra tấn là một hành vi mang tính cố ý; được biểu hiện dưới nhiều hình thức như sử dụng vũ lực mang tính vật lý (đánh đập, bỏ cho đói khát, giam cầm trái phép, tra tấn bằng thiết bị như roi điện, đèn cao xạ…) tác động trực tiếp lên cơ thể người khác; hoặc bằng lời nói, hành động tâm lý (chửi mắng, đe dọa, bài xích, cô lập, trù dập…) tác động vào tinh thần, tâm lý của người khác.

          - Về mục đích: Nhằm tạo cho nạn nhân sự đau đớn, nhục nhã về thể xác và tinh thần, làm nạn nhân sợ hãi, suy sụp, hoặc để người thứ ba (như cha, mẹ, vợ, con, người thân hoặc đồng nghiệp) sợ hãi, lo lắng, thương xót cho nạn nhân, từ đó bị cưỡng ép phải khai những điều sai sự thật, làm những hành động sai trái theo ý đồ của người tra tấn; hoặc để trừng phạt, bức ép nạn nhân vì những việc mà họ đã làm.

          - Về hậu quả: gây đau đớn và khổ sở nghiêm trọng cho cả tinh thần và thể xác, tâm lý của nạn nhân. Tuy nhiên khái niệm tra tấn không bao gồm những đau đớn hoặc đau khổ xuất phát, gắn liền hoặc có liên quan đến các biện pháp trừng phạt hợp pháp, ví dụ như tử hình là hình phạt được pháp luật cho phép và không thể bị coi là hành vi tra tấn.

          - Về địa điểm: hành vi tra tấn có thể được thực hiện tại các địa điểm như trong trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước, doanh trại quân đội, trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ hoặc bất kỳ nơi nào có sự làm việc của nhân viên công quyền hoặc người đang thực hiện công vụ.

          - Về chủ thể: Cán bộ, công chức, viên chức hoặc chủ thể khác nhưng dưới sự đồng ý, cho phép hoặc thông đồng của cán bộ, công chức, viên chức nhằm thực hiện hành vi tra tấn.

          2. Quy định của pháp luật Việt Nam thực hiện Công ước chống tra tấn

          Việt Nam với tư cách là một quốc gia thành viên đã và đang thể chế hóa những quy định của Công ước chống tra tấn vào hệ thống pháp luật Việt Nam. Tại điều 20 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 quy định: "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức nhục hình hay bất cứ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm". Trên cơ sở tinh thần Hiến pháp, Nhà nước tiếp tục có những sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhiều đạo luật quan trọng như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Tạm giữ, tạm giam, Luật Tố cáo, Luật Khiếu nại…để phù hợp với các quy định của Công ước.           Cụ thể có thể kể đến một số quy định như sau:

          - Bộ luật tố tụng hình sự: Nguyên tắc nghiêm cấm tra tấn, bức cung, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, tính mạng, sức khỏe của con người khi bắt giữ người (Điều 10); các quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, bao gồm quyền được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi bị bắt, bị tạm giam, bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án oan (Điều 38); quyền của người bị tạm giữ, tạm giam (Điều 58, 59)…

          - Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017: Tội bắt, giam giữ trái pháp luật (Điều 157) quy định hành vi tra tấn như đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục nhân phẩm của người bị bắt, giữ, giam sẽ bị 05 năm đến 12 năm; Tội bức tử (Điều 130)…

          - Luật Tố cáo: Bảo vệ bí mật người tố cáo, bảo vệ người tố cáo tránh bị trả thù, trù dập (Chương VI).

          - Ngoài ra, Bộ luật dân sự năm 2015, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo năm 2018 cũng có những quy định đảm bảo tốt hơn quyền con người và phù hợp với yêu cầu của Công ước chống tra tấn; Luật thi hành án hình sự năm 2010, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, các quy định pháp luật về đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức cũng có những điều chỉnh nhằm đảm bảo tôn trọng quyền con người khi thi hành công vụ liên quan đến phòng, chống tra tấn.

          3. Trách nhiệm thực hiện Công ước chống tra tấn trong cơ quan

          Công chức, người lao động trong cơ quan cần nghiên cứu sâu về những nội dung của Công ước chống tra tấn và các quy định pháp luật Việt Nam, tích cực phòng ngừa, phát hiện và tố cáo, tố giác hành vi tra tấn trong quá trình thực thi công vụ và ngoài xã hội đến cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời.

Trong lĩnh vực thanh tra, các thành viên Đoàn thanh tra cần có thái độ ứng xử thận trọng, cân nhắc khi tiếp xúc, làm việc với đối tượng thanh tra, không dùng lời lẽ xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của đối tượng thanh tra. Trong lĩnh vực giải quyết tố cáo cần đảm bảo chấp hành nghiêm túc những quy định về bảo vệ người tố cáo, lồng ghép nội dung chống tra tấn vào công tác hướng dẫn, thanh tra trách nhiệm việc chấp hành pháp luật về tố cáo nhằm nhấn mạnh cho các đơn vị về tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ người tố cáo trong quá trình giải quyết tố cáo.

          Mặt khác, mỗi công chức, người lao động cần chấp hành nghiêm chỉnh những quy định về những điều công chức không được làm, những điều Đảng viên không được làm (đối với Đảng viên), minh bạch công khai trong hoạt động công vụ, giữ gìn đoàn kết nội bộ; cuối cùng là không ngừng trui rèn đạo đức, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong công việc cũng như trong cuộc sống.

           Toàn văn công ước tra tấn: Toan van Cong uoc chong tra tan.doc

 

Nguyễn Đăng Duy

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây