Một số điểm cơ bản của Luật PCTN 2018

Thứ tư - 06/03/2019 04:00 319 0

 Một số điểm cơ bản của Luật PCTN 2018

Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 (Luật PCTN) đã được Quốc hội thông qua bao gồm 10 Chương và 96 Điều với nhiều nội dung đổi mới rất quan trọng. Theo đó, luật đã khắc phục một số hạn chế, bất cập được phát hiện qua tổng kết thực tiễn thi hành Luật PCTN, sửa đổi, bổ sung theo hướng đồng bộ với hệ thống pháp luật và phù hợp với các điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam ký kết, gia nhập. Sau đây là một số nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 cần được lưu ý.

          1. Về kê khai tài sản, thu nhập

          Luật mới đã mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai (Điều 34). Theo đó, các đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập không còn được hạn chế "một số cán bộ, công chức" mà được mở rộng thành "cán bộ, công chức", tức toàn bộ cán bộ, công chức trong cơ quan Nhà nước; ngoài ra còn có sĩ quan công an nhân dân; sĩ quan quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

          Về loại tài sản, thu nhập phải kê khai, ngoài những loại tài sản theo quy định trước đây như nhà, đất; kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá mà mỗi tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên; tài sản, tài khoản ở nước ngoài; luật mới đã yêu cầu kê khai thêm công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng. Đồng thời, các đối tượng còn phải kê khai cả tổng thu nhập giữa 02 lần kê khai (Điều 35).

          Về phương thức và thời điểm kê khai (Điều 36), nếu như trước đây luật cũ không đề cập đến phương thức và thời điểm kê khai thì nay Luật PCTN năm 2018 đã quy định khá cụ thể. Theo đó, kê khai tài sản thu nhập được thực hiện theo 03 phương thức sau:

          - Kê khai lần đầu áp dụng đối với cán bộ, công chức; sĩ quan; người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên. Việc kê khai phải hoàn thành trước 31/12/2019.

          - Kê khai bổ sung áp dụng với người có nghĩa vụ kê khai có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên. Việc kê khai hoàn thành trước ngày 31/12 năm có biến động tài sản. Trường hợp phát hiện người có nghĩa vụ kê khai không kê khai biến động thì cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có quyền yêu cầu người đó cung cấp, bổ sung thông tin có liên quan; nếu có biến động tăng thì phải giải trình về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm (Điều 40); người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc thì tiến hành xác minh (Điều 41).

          - Kê khai hàng năm áp dụng với người giữ chức vụ từ Giám đốc Sở và tương đương trở lên; Người làm công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, cá nhân khác theo quy định của Chính phủ (sẽ có Nghị định hướng dẫn chi tiết, theo quy định hiện nay thì công chức ngành Thanh tra là đối tượng phải kê khai hàng năm). Việc kê khai hoàn thành trước ngày 31/12 hàng năm.

          Theo đó, người có nghĩa vụ kê khai biến động phải giải trình về tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai, nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm (Điều 33). Bản kê khai phải được công khai tại cơ quan nơi người đó thường xuyên làm việc; bản kê khai của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm; bản kê khai của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND phải được công khai theo quy định của pháp luật bầu cử (Điều 39).

          Đối với trường hợp cán bộ, công chức kê khai không trung thực về tài sản, thu nhập có thể bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức: Cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm. Trường hợp đã được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch. Trường hợp người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ mà kê khai không trung thực thì không được bổ nhiệm, phê chuẩn hoặc cử vào chức vụ dự kiến. Trường hợp người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND mà kê khai không trung thực thì bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử. Trường hợp xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm thì có thể xem xét không kỷ luật. (Điều 51).

          Về trình tự xác minh tài sản, thu nhập, luật mới đã quy định chi tiết, cụ thể hơn. Theo đó quy định cụ thể trình tự xác minh tài sản, thu nhập bao gồm 06 bước (Điều 44): Ra quyết định xác minh tài sản, thu nhập và thành lập Tổ xác minh tài sản, thu nhập (Điều 45);  Yêu cầu người được xác minh giải trình về tài sản, thu nhập của mình (Điều 46); Tiến hành xác minh tài sản, thu nhập (Điều 47); Báo cáo kết quả xác minh tài sản, thu nhập (Điều 48); Kết luận xác minh tài sản, thu nhập (Điều 49); Gửi và công khai kết luận xác minh tài sản, thu nhập (Điều 50).

          2. Trách nhiệm người đứng đầu cơ quan xảy ra tham nhũng

          Trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức do mình quản lý, phụ trách (Điều 72) tiếp tục được Luật mới kế thừa và quy định cụ thể như sau: Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trực tiếp nếu người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ tham nhũng; cấp phó phải chịu nếu xảy ra tham nhũng trong lĩnh vực công tác và trong đơn vị do mình được giao trực tiếp phụ trách; người đứng đầu phải chịu trách nhiệm liên đới.

          Theo đó, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp khi để xảy ra tham nhũng thì bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp liên đới thì bị xử lý kỷ luật. Ngoài ra, các trường hợp được xem xét loại trừ, miễn, giảm trách nhiệm pháp lý bao gồm trường hợp không thể biết hoặc đã áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng; đã áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng hoặc đã chủ động, kịp thời phát hiện, báo cáo và xử lý tham nhũng theo quy định của pháp luật; chủ động xin từ chức trước khi cơ quan có thẩm quyền phát hiện, xử lý, trừ trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

          Ngược lại, đối với trường hợp phát hiện hành vi tham nhũng mà không áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng hoặc không kịp thời báo cáo, xử lý tham nhũng theo quy định của pháp luật thì bị xem xét tăng nặng trách nhiệm pháp lý (Điều 73).

          3. Chuyển đổi vị trí công tác

          Những quy định về chuyển đổi vị trí công tác trong luật mới vẫn được duy trì và phát huy mặt tích cực trong công tác phòng ngừa tham nhũng. Theo              Điều 24, cơ quan theo thẩm quyền có trách nhiệm định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức trong cơ quan mình nhằm phòng ngừa tham nhũng. Việc luân chuyển cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thực hiện theo quy định luân chuyển cán bộ.

          Cần chú ý thêm, Luật quy định rõ việc chuyển đổi vị trí công tác phải có kế hoạch luân chuẩn định kỳ hàng năm, đảm bảo nguyên khách quan, hợp lý, phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ và không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan. Đặc biệt tuyệt đối không được lợi dụng việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức vì vụ lợi hoặc để trù dập cán bộ, công chức, viên chức.

          Những vị trí công tác và thời hạn phải định kỳ chuyển đổi (Điều 25) cũng được quy định rõ như người có chức vụ, quyền hạn làm việc tại một số vị trí liên quan đến công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công, trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, cá nhân khác phải được chuyển đổi vị trí công tác. Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là từ đủ 02 năm đến 05 năm theo đặc thù của từng ngành, lĩnh vực.

          Đối với cơ quan chỉ có một vị trí phải định kỳ chuyển đổi công tác mà vị trí này có yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ đặc thù so với vị trí khác của cơ quan thì việc chuyển đổi vị trí công tác do người đứng đầu cơ quan sử dụng người có chức vụ, quyền hạn đề nghị với cơ quan có thẩm quyền quyết định chuyển đổi.

          4. Kiểm soát xung đột lợi ích

          Kiểm soát xung đột lợi ích là một quy định mới của Luật PCTN năm 2018 nhằm bảo đảm tốt hơn việc phòng ngừa tham nhũng vốn đã được đặt ra trong các hội thảo khoa học, đòi hỏi phải có một quy định cụ thể nhằm ngăn chặn những nguy cơ khiến cho công vụ, nhiệm vụ của công chức thiếu sự khách quan, vô tư. Theo đó, tại Điều 23, người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nếu biết hoặc buộc phải biết nhiệm vụ, công vụ được giao có xung đột lợi ích thì phải báo cáo người có thẩm quyền để xem xét, xử lý.

          Cơ quan cá nhân khi phát hiện có xung đột lợi ích của người có chức vụ, quyền hạn thì phải thông tin, báo cáo cho người trực tiếp quản lý, sử dụng người đó để xem xét, xử lý. Người trực tiếp quản lý, sử dụng người có chức vụ, quyền hạn khi phát hiện có xung đột lợi ích và nếu thấy việc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, công vụ không bảo đảm tính đúng đắn, khách quan, trung thực thì phải xem xét, áp dụng một trong các biện pháp sau đây: Giám sát; đình chỉ, tạm đình chỉ; tạm thời điều chuyển người có xung đột lợi ích sang vị trí công tác khác.

          Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 có hiệu lực từ ngày 01/7/2019.

Nguyễn Đăng Duy

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập61
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm60
  • Hôm nay2,457
  • Tháng hiện tại12,196
  • Tổng lượt truy cập1,782,057
tthc
công báo tỉnh
hộp thư điện tử
cong khai minh bach
gop y du thao
đường dây nóng
hỏi đáp doanh nghiệp
hỏi đáp nhà nước
hỏi đáp công dân- chính phủ
cải cách thủ tục hành chính
Tiếp dân xử lý đơn thư
TruongSa
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây