Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

Thứ bảy - 25/11/2017 16:00 147 0

Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

Ngày 21-11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Trong phiên thảo luận về dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận đó là việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đối với khu vực ngoài nhà nước. Bởi, trên thực tế, tình hình tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đã và đang ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động cạnh tranh lành mạnh, ảnh hưởng môi trường đầu tư, kinh doanh đồng thời, cản trở hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong khu vực nhà nước. Các ý kiến cũng đề nghị, cần thông qua Luật sau 3 kỳ họp để có thời gian thảo luận kỹ nhiều vấn đề.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, đoàn Bắc Kạn chỉ rõ, nguyên nhân là do pháp luật hiện hành chưa có cơ chế xử lý sớm tài sản tham nhũng nên một số trường hợp kê khai không đúng cũng chỉ có thể áp kỷ luật, có thể khiển trách, cảnh cáo, thậm chí cách chức, chứ không thể đụng vào khối tài sản không rõ nguồn gốc. Và, muốn tịch thu khối tài sản này phải qua một vụ án hình sự, từ khởi tố, điều tra, xét xử. Đến khi đó, tài sản đã bị tẩu tán.
Và theo quan điểm của Ban soạn thảo việc không bổ sung cơ chế xử lý tài sản không rõ nguồn gốc là để phù hợp với nguyên tắc của tố tụng hình sự, và trách nhiệm chứng minh thuộc về Nhà nước. Theo đó muốn xử lý, tịch thu khối tài sản này thì chính các cơ quan tiến hành tố tụng phải có trách nhiệm chứng minh, chứ không phải người có tài sản có trách nhiệm giải trình. 
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn cho biết, về khía cạnh này thì chúng tôi khác với ý kiến của Ban soạn thảo và đồng tình với nhiều chuyên gia. Bởi lẽ, tham nhũng là loại tội phạm đặc biệt, xảy ra rất lâu rồi mới bị phát hiện, độ ẩn của tội phạm là rất cao, do đó nếu như không có các thủ tục tố tụng đặc biệt vượt lên các khuôn khổ pháp lý thông thường thì sẽ không thể xử lý được. Đồng thời, khác với các tội giết người, cướp của, đánh nhau gây thương tích thì hành vi tham nhũng thường diễn biến trong một thời gian dài, còn có cơ hội tham nhũng là còn rút tiền của ngân sách. Và sau khi tham nhũng được thì tiêu xài lãng phí, tặng, cho, chuyển đổi dưới nhiều hình thức.
Tham nhũng đã trở thành căn bệnh chung của toàn xã hội và diễn biến phức tạp. Dự thảo Luật cũng đã mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước, được cho là điểm nổi bật trong lần sửa đổi, phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với chủ trương của Đảng. Tuy nhiên...việc mở rộng này cũng đã có những ý kiến trái chiều.
Đại biểu Đỗ Văn Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hải Phòng cho biết, thực tế hiện nay, ngày càng có sự gắn kết giữa các cơ quan, đơn vị nhà nước với các đơn vị thuộc khu vực ngoài nhà nước. Nhiều doanh nghiệp, đơn vị ngoài nhà nước đã trở thành đối tác cung cấp dịch vụ, vật tư hàng hóa cho các đơn vị nhà nước. Do sự gắn kết giữa 2 khu vực này, nếu chỉ tập trung phòng, chống tham nhũng ở khu vực nhà nước mà không hoặc chưa tập trung chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước thì công tác phòng, chống tham nhũng ngay ở trong khu vực nhà nước cũng khó đạt hiệu quả cao.
Theo Đại biểu Hoàng Quang Hàm, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ cho rằng, tham nhũng ở khu vực tư rất nghiêm trọng, nhiều khi chi phối, lũng đoạn cả chính sách.Nhiều khi đưa hối lộ hoặc thông đồng với khu vực nhà nước để tư lợi, gây thất thoát lớn tiền, tài sản nhà nước. Ở Việt Nam cũng đã xảy ra các vụ tham nhũng nghiêm trọng trong khu vực tư như tại công ty cho thuê tài chính ALCII, hoặc các vụ chiếm đoạt tiền của ngân hàng.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre cho rằng, chúng ta biết rồi tội phạm tham nhũng đòi hỏi phải là chủ thể đặc biệt cho nên chúng ta không phải ai cũng có thể  vào diện tham nhũng được. Cần phải cắt đường dây kết nối giữa khu vực ngoài nhà nước và khu vực nhà nước, hay nói cách khác là cắt nguồn dinh dưỡng của tham nhũng nhưng không có nghĩa là chúng ta chỉ sử dụng một con dao duy nhất là Luật phòng, chống tham nhũng để cắt cái sợi dây này mà có những quy định khác nhau. Chính vì vậy, tôi đề nghị cân nhắc cái quy định mở rộng này và quan điểm của tôi là không tán thành mở rộng.​
Vấn đề kê khai tài sản; về trách nhiệm người đứng đầu cơ quan để xảy ra hành vi tham nhũng cũng là những nội dung được các đại biểu quan tâm thảo luận.Các đại biểu xoay quanh ý kiến về biện pháp minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập trong phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt, hai nội dung lớn là: đối tượng nào sẽ phải kê khai, kiểm soát tài sản và thu hồi tài sản không rõ nguồn gốc thế nào. Thậm chí, có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này.
5461e17a-69fa-46c1-94d8-7728830135a4.11.dai.jpg
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái giải trình về dự thảo Luật

Sau khi nghe các ý kiến đóng góp, tranh luận của các đại biểu Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái báo cáo, làm rõ một số vấn đề để  hoàn thiện dự thảo Luật.​
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, việc mở rộng đối tượng điều chỉnh của Luật nhằm bám sát chủ trương, đường lối của Đảng. Phương án này còn xuất phát từ nhu cầu, đòi hỏi từ chính các tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước, nhằm xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, liêm chính. 
Công ước về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên cũng quy định áp dụng biện pháp phòng, chống tham nhũng đối với tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước.
"Do đó, trước mắt là phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật chọn các loại hình doanh nghiệp có nguy cơ cao phát sinh hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn và hành vi đó gây ra hậu quả nguy hiểm cho cá nhân, tổ chức có liên quan. Trên cơ sở đó bắt buộc một số chủ thể phải áp dụng biện pháp phòng chống tham nhũng" - Tổng Thanh tra cho biết.
Qua rà soát cho thấy, các luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Tài chính... ở mức độ nhất định đã có quy định nhằm phòng ngừa các hành vi vi phạm trong quản lý điều hành, nhưng chưa rõ và đầy đủ. Vì vậy cần đưa vào phạm vi điều chỉnh để áp dụng Luật Phòng, chống tham nhũng đối với khu vực ngoài Nhà nước.
Về công khai, minh bạch tài sản của người có chức vụ, quyền hạn, Tổng Thanh tra Chính phủ đánh giá, thực tế công tác này còn hạn chế không phải do diện kê khai rộng mà do không quản lý được dữ liệu kê khai, chưa kiểm soát được sự biến động và xác minh tài sản, thu nhập. 
Do vậy, dự thảo Luật quy định các cơ quan, tổ chức kiểm soát tài sản, thu nhập là cần thiết, nhằm hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu về tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.
Trích nguồn: Thanh tra Chính phủ - http://www.thanhtra.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập56
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm53
  • Hôm nay903
  • Tháng hiện tại27,346
  • Tổng lượt truy cập1,931,355
tthc
công báo tỉnh
hộp thư điện tử
cong khai minh bach
gop y du thao
đường dây nóng
hỏi đáp doanh nghiệp
hỏi đáp nhà nước
hỏi đáp công dân- chính phủ
cải cách thủ tục hành chính
Tiếp dân xử lý đơn thư
TruongSa
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây