Phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong công tác kiểm soát tài sản, thu nhập

Thứ ba - 14/11/2023 09:55 270 0
Trong bối cảnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang là những nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, Thanh tra tỉnh Tây Ninh với vai trò là cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã phát huy vai trò tiên phong trong thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, trong số đó nổi bật chính là công tác kiểm soát tài sản, thu nhập với tinh thần “Dám nghĩ – Dám làm – Dám chịu trách nhiệm”.

 

Trên cơ sở định hướng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh Tây Ninh hằng năm đều chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo triển khai công tác kê khai tài sản, thu nhập; trong đó đổi mới đầu tiên chính là cách thức tham mưu triển khai lồng ghép nội dung hướng dẫn thực hiện ngay trong văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh. Theo đó, bên cạnh việc chỉ đạo tổ chức kê khai, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh còn kèm theo văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác kê khai tài sản, thu nhập do Thanh tra tỉnh biên soạn để các cơ quan, địa phương nghiên cứu, tổ chức thực hiện.

Sau khi tổ chức kỳ kê khai tài sản, thu nhập lần đầu và kỳ kê khai tài sản, thu nhập hằng năm (tổ chức trong năm 2021), Thanh tra tỉnh nhận thấy còn nhiều cá nhân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về nội dung kê khai theo quy định pháp luật, vì vậy đã chủ động nghiên cứu, biên soạn Bộ hướng dẫn về cách thức thực hiện bản kê khai tài sản, thu nhập. Bộ hướng dẫn bao gồm 03 phần: (1) Khái quát đơn giản nhất về đối tượng có nghĩa vụ kê khai, các diện kê khai, (2) Cách thức kê khai trong từng mục của bản kê khai, (3) Giải đáp một số tình huống cụ thể mà Thanh tra tỉnh đã tự thu thập hoặc tiếp nhận từ các cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, Bộ hướng dẫn không sử dụng ngân sách cho công tác nghiên cứu, xây dựng và được cung cấp hoàn toàn miễn phí trên Trang Thông tin điện tử của Thanh tra tỉnh để không chỉ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh tham khảo, mà còn dành cho các địa phương khác có thể nghiên cứu, tham khảo và trao đổi. Kể từ khi đăng tải Bộ hướng dẫn, Thanh tra tỉnh Tây Ninh đã có dịp tiếp xúc, tích lũy được nhiều kinh nghiệm từ cán bộ, công chức của các địa phương khác như Long An, Cà Mau, Bình Dương, Sóc Trăng, Sơn La, v.v liên hệ trao đổi; từ đó tiếp tục tổng hợp, cập nhật nội dung mới cho Bộ hướng dẫn.

Ngoài ra, Thanh tra tỉnh Tây Ninh còn tổ chức hội nghị tuyên truyền những nội dung hướng dẫn cho đầu mối các cơ quan, địa phương trên địa bàn tỉnh để trao đổi sâu hơn những nội dung vướng mắc, khó khăn thực tiễn; từ đó giúp cải thiện chất lượng, hiệu quả cũng như nhận thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức đối với nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập. Tương tự với việc xây dựng Bộ chỉ số, Hội nghị tập huấn của Thanh tra tỉnh cũng không sử dụng kinh phí cho báo cáo viên và nội dung tập huấn trên tinh thần trách nhiệm, tiết kiệm, hiệu quả.

Theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Thanh tra tỉnh Tây Ninh với vai trò là cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có nhiệm vụ phải tiếp nhận bàn giao các bản kê khai thuộc phạm vi kiểm soát. Tuy nhiên, với số lượng bản kê khai mỗi năm là trên dưới 2.000 bản, việc bàn giao trực tiếp bản kê khai sẽ rất khó quản lý, truy lục phục vụ xác minh, tổng hợp khi cần thiết. Do đó, vận dụng tinh thần định hướng xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập cũng như kinh nghiệm tập huấn của Pháp, Thanh tra tỉnh đã chủ động xin chủ trương UBND tỉnh xây dựng hệ thống tiếp nhận các bản kê khai trực tuyến và tổ chức hướng dẫn các ngành, địa phương thực hiện. Hệ thống được xây dựng tích hợp trên hạ tầng của Tỉnh, hệ thống tài khoản đăng nhập được cấp theo phạm vi chức năng và có phân quyền truy cập để tiếp nhận, quản lý các bản kê khai tài sản, thu nhập số hóa từ bản kê khai giấy, có tích hợp chữ ký số đơn vị để xác định tính hợp pháp. Nhờ vào đó, việc tiếp nhận, quản lý và khai thác phục vụ công tác cán bộ, xác minh đã thuận tiện hơn rất nhiều.

Về công tác xác minh tài sản, thu nhập, bắt đầu từ năm 2022 theo chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh Tây Ninh đã tiến hành xác minh 02 cuộc và ban hành kết luận đối với 77 cá nhân. Tuy nhiên, do đây là một trong những nhiệm vụ mới theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, cơ chế pháp luật không  hướng dẫn cụ thể về biện pháp, cách thức xác minh nên quá trình tổ chức thực hiện là rất khó khăn. Để đạt được kết quả nêu trên, Thanh tra tỉnh đã chủ động nghiên cứu, thực hiện các biện pháp thu thập thông tin mà chưa từng có tiền lệ trước đây là thu thập từ các tổ chức tín dụng, công an, tài nguyên môi trường và đặc biệt cơ quan thuế để có cơ sở tổng hợp, đối chiếu các loại tài sản, thu nhập trọng tâm, có giá trị lớn của người được xác minh; từ đó đặt vấn đề giải trình để xác định nguồn gốc hình thành tài sản, thu nhập.

Khó khăn, vướng mắc là vấn đề thực tế đối với bất kỳ lĩnh vực, có thể xảy ra tại mọi cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc bị động trông chờ vào chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, mà là trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, nhất là những cơ quan, đơn vị phụ trách ngành, lĩnh vực phải chủ động nghiên cứu, tìm ra giải pháp xử lý trong khuôn khổ pháp luật và thẩm quyền của mình. Đây cũng chính là quan điểm chỉ đạo nhất quán mà Ban lãnh đạo Thanh tra tỉnh Tây Ninh đặt ra đối với đội ngũ công chức ngành; trong thời gian tới sẽ tiếp tục đề xuất nhiều biện pháp công tác để phát huy sâu rộng, mạnh mẽ hơn vai trò, trách nhiệm của ngành thanh tra đúng với tinh thần chỉ đạo “Dám nghĩ - Dám làm - Dám chịu trách nhiệm” vì lợi ích chung; góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân vào đường lối lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.

Tác giả: quan tri, M.Tr;Duy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây