Những nội dung cơ bản của Luật Tố cáo năm 2018

Thứ sáu - 22/02/2019 15:00 206 0

Những nội dung cơ bản của Luật Tố cáo năm 2018

Tiếp tục kế thừa quy định về phạm vi điều chỉnh của luật cũ, theo đó, quy định phạm vi tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hai loại hành vi, bao gồm hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và hành vi vi phạm pháp luật khác về quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực.

          1. Kết cấu bố cục

          Về kết cấu, Luật Tố cáo năm 2018 gồm có 9 chương, 67 điều, cụ thể như sau:

          Chương I. Những quy định chung, gồm 8 điều (từ Điều 1 đến Điều 8) quy định về phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; áp dụng pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo; nguyên tắc giải quyết tố cáo; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo; trách nhiệm phối hợp của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc giải quyết tố cáo; chấp hành quyết định xử lý hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo; các hành vi bị nghiêm cấm trong tố cáo và giải quyết tố cáo.

          Chương II. Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo, người giải quyết tố cáo, gồm 3 điều (từ Điều 9 đến Điều 11) quy định về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo; quyền và nghĩa vụ của người bị tố cáo; quyền và nghĩa vụ của người giải quyết tố cáo.

          Chương III. Giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, gồm 3 mục, 29 điều, cụ thể:

          + Mục 1. Thẩm quyền giải quyết tố cáo, gồm 10 điều (từ Điều 12 đến Điều 21) quy định về nguyên tắc xác định thẩm quyền; thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong cơ quan hành chính nhà nước, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán nhà nước và các cơ quan khác của Nhà nước, trong đơn vị sự nghiệp công lập, trong tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của người có chức danh, chức vụ trong doanh nghiệp nhà nước, người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ mà không phải là cán bộ, công chức, viên chức.

          + Mục 2. Hình thức tố cáo, tiếp nhận, xử lý ban đầu thông tin tố cáo gồm, 6 điều (từ Điều 22 đến Điều 27) quy định về hình thức tố cáo; tiếp nhận tố cáo; xử lý ban đầu thông tin tố cáo; tiếp nhận, xử lý thông tin có nội dung tố cáo; tiếp nhận, xử lý tố cáo do cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển đến; xử lý tố cáo có dấu hiệu của tội phạm, áp dụng biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm.

          + Mục 3. Trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo, gồm 13 điều (từ Điều 28 đến Điều 40) quy định về trình tự giải quyết tố cáo; thụ lý tố cáo; thời hạn giải quyết tố cáo; xác minh nội dung tố cáo; trách nhiệm của Chánh thanh tra các cấp và Tổng thanh tra Chính phủ; rút tố cáo; tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết tố cáo; kết luận nội dung tố cáo; việc xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo; việc tố cáo tiếp, giải quyết lại vụ việc tố cáo; giải quyết tố cáo trong trường hợp quá thời hạn quy định mà chưa được giải quyết; hồ sơ giải quyết việc tố cáo; công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo.

          Chương IV. Giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực, gồm 3 điều (từ Điều 41 đến Điều 43) quy định về nguyên tắc xác định thẩm quyền; trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo; trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo có nội dung rõ ràng, chứng cứ cụ thể, có cơ sở để giải quyết ngay.

          Chương V. Trách nhiệm tổ chức thực hiện kết luận nội dung tố cáo, gồm 3 điều (từ Điều 44 đến Điều 46) quy định về trách nhiệm của người giải quyết tố cáo; người bị tố cáo và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

          Chương VI. Bảo vệ người tố cáo, gồm 3 mục, 12 điều, cụ thể:

          + Mục 1. Quy định chung, gồm 3 điều (từ Điều 47 đến Điều 49) quy định về người được bảo vệ, phạm vi bảo vệ; quyền và nghĩa vụ của người được bảo vệ; cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ.

          + Mục 2. Trình tự, thủ tục bảo vệ, gồm 6 điều (từ Điều 50 đến Điều 55) quy định về đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ; xem xét, quyết định bảo vệ người tố cáo; quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân; thay đổi, bổ sung, chấm dứt việc áp dụng biện pháp bảo vệ; hồ sơ áp dụng biện pháp bảo vệ.

          + Mục 3. Các biện pháp bảo vệ, gồm 3 điều (từ Điều 56 đến Điều 58) quy định về biện pháp bảo vệ bí mật thông tin; biện pháp bảo vệ vị trí công tác, việc làm; biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm.

          Chương VII. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc quản lý công tác giải quyết tố cáo, gồm 3 điều (từ Điều 59 đến Điều 61) quy định về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về công tác giải quyết tố cáo; trách nhiệm của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán nhà nước, cơ quan khác của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; trách nhiệm thông tin, báo cáo trong công tác giải quyết tố cáo.

          Chương VIII. Khen thưởng và xử lý vi phạm, gồm 4 điều (từ Điều 62 đến Điều 65) quy định về khen thưởng; xử lý hành vi vi phạm của người giải quyết tố cáo; xử lý hành vi vi phạm của người có trách nhiệm chấp hành quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo; xử lý hành vi vi phạm của người tố cáo và những người khác có liên quan.

          Chương IX. Điều khoản thi hành, gồm 2 điều (Điều 66, Điều 67) quy định về hiệu lực thi hành và quy định chi tiết.

          2. Một số điểm cơ bản của Luật Tố cáo

          Về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, Ðiều 09 Luật Tố cáo đã có những quy định cụ thể hoá một số quyền như được bảo đảm bí mật thông tin cá nhân; tố cáo tiếp; đề nghị áp dụng các biện pháp bảo vệ; rút tố cáo; được thông báo về việc thụ lý, kết luận nội dung tố cáo… đồng thời có nghĩa vụ cung cấp thông tin cá nhân, thông tin liên quan nội dung tố cáo, trình bày trung thực về nội dung tố cáo, chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo.

          Luật Tố cáo quy định người bị tố cáo có một số quyền như: được giải trình, đưa chứng cứ chứng minh nội dung tố cáo là không đúng sự thật; yêu cầu xử lý người cố ý tố cáo sai sự thật, người giải quyết tố cáo trái pháp luật; được bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp khi chưa có kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo…đồng thời có nghĩa vụ giải trình về hành vi bị tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan; chấp hành nghiêm chỉnh quyết định xử lý theo kết luận nội dung tố cáo; bồi thường thiệt hại, bồi hoàn do hành vi trái pháp luật của mình gây ra.

          Ðặc biệt, Ðiều 12 Luật Tố cáo năm 2018 đã có một sự bổ sung kịp thời về thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với những đối tượng bị tố cáo mà Luật Tố cáo năm 2011 chưa quy định rõ như: cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của nhiều cơ quan, tổ chức; cán bộ, công chức, viên chức đã chuyển sang cơ quan, tổ chức khác hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức (về hưu, nghỉ việc); cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc giải thể. Ðây là những đối tượng mà theo thực tiễn là khó xử lý, nay đã được khắc phục triệt để.

          Bên cạnh đó, Luật vẫn kế thừa nguyên tắc cũ trong xác định thẩm quyền giải quyết là tố cáo cán bộ, công chức, viên chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức đó giải quyết; tố cáo người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó giải quyết.

          Về hình thức tố cáo, người tố cáo thực hiện việc tố cáo qua 2 dạng là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp. Ðặc biệt, Luật quy định không xử lý đối với tố cáo nặc danh; tuy nhiên phải tiếp nhận, thanh tra, kiểm tra đối với tố cáo thuộc trường hợp nêu trên nhưng có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh. Theo đó, để bảo đảm các cơ quan không bỏ qua thông tin tố cáo nặc danh, các văn bản hướng dẫn thi hành cần phải có những quy định cụ thể hơn về cơ chế chuyển đổi thông tin tố cáo nặc danh có cơ sở xác minh vào hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền.

          Về điều kiện thụ lý, Luật không quy định riêng trường hợp không thụ lý để tạo cơ sở đánh giá vụ việc tố cáo toàn diện hơn. Theo đó, đối với các đơn tố cáo đáp ứng các nội dung quy định Ðiều 29 Luật Tố cáo, sẽ được thụ lý giải quyết, bao gồm: Tố cáo được thực hiện theo quy định tại Ðiều 23 (như đơn bảo đảm thông tin cá nhân người tố cáo hoặc người đại diện khi tố cáo đông người, ngày tháng năm tố cáo, có ký tên hoặc điểm chỉ); người tố cáo có đủ năng lực hành vi dân sự hoặc phải có người đại diện theo quy định của pháp luật; đơn thuộc thẩm quyền giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tố cáo; nội dung tố cáo có cơ sở để xác định người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật.

          Ðặc biệt, căn cứ vào thực tiễn trong thời gian qua nhiều đơn tố cáo xuất phát từ việc khiếu nại không đạt được mục đích, Luật Tố cáo năm 2018 đã đưa quy định từ Thông tư số 07/2014/TT-TTCP để bổ sung vào Luật trường hợp tố cáo xuất phát từ vụ việc khiếu nại đã được giải quyết đúng thẩm quyền thì chỉ thụ lý tố cáo khi người tố cáo cung cấp được thông tin, tài liệu, chứng cứ để xác định người giải quyết khiếu nại có hành vi vi phạm pháp luật.

          Về trình tự giải quyết tố cáo, thay vì thực hiện 5 bước như quy định trước đây, Luật Tố cáo năm 2018 đã rút gọn còn 4 bước, bao gồm: thụ lý tố cáo, xác minh nội dung tố cáo, kết luận nội dung tố cáo, xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo. Ðiều 30 Luật Tố cáo 2018 cũng đã giới hạn thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày (so với luật cũ là 60 ngày), kể từ ngày thụ lý tố cáo.

Trường hợp vụ việc phức tạp có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày, đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày. Việc rút ngắn thời gian giải quyết so với Luật cũ sẽ tăng cường trách nhiệm của cơ quan thẩm quyền giải quyết tố cáo, giúp vụ việc tố cáo sớm được giải quyết, bảo đảm tính kịp thời.

          Quyền rút tố cáo là một trong những bổ sung kịp thời trong Luật Tố cáo năm 2018. Theo đó, người tố cáo có quyền rút toàn bộ nội dung tố cáo hoặc một phần nội dung tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ra kết luận nội dung tố cáo. Việc rút tố cáo phải được thực hiện bằng văn bản. Mặt khác, đối với trường hợp người tố cáo đã lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo, dù đã rút tố cáo vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi tố cáo của mình, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

          Bên cạnh đó, Luật Tố cáo năm 2018 đã quy định 2 trường hợp xử lý đình chỉ trong quá trình giải quyết tố cáo của người giải quyết tố cáo, bao gồm tạm đình chỉ và đình chỉ toàn bộ. Theo đó, người giải quyết tố cáo có quyền ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo khi cần đợi kết quả giải quyết của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc đợi kết quả giải quyết vụ việc khác có liên quan hoặc cần đợi kết quả giám định bổ sung, giám định lại hoặc đình chỉ giải quyết tố cáo khi người tố cáo rút toàn bộ nội dung tố cáo; người bị tố cáo đã chết và nội dung tố cáo chỉ liên quan đến người bị tố cáo; vụ việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

          Cuối cùng, nội dung có vị trí quan trọng nhất - bảo vệ người tố cáo, đã được kế thừa và quy định chi tiết hơn trong Luật Tố cáo 2018. Luật đã dành hẳn một chương từ Ðiều 47 đến Ðiều 58 quy định chi tiết về bảo vệ người tố cáo, định nghĩa rất rõ về đối tượng, phạm vi bảo vệ người tố cáo. Trong đó, đặc biệt chú ý quy định trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền phải chủ động áp dụng biện pháp bảo vệ khi có căn cứ người tố cáo và người thân của họ đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại (Ðiều 47).

          Luật cũng quy định những quyền của người được bảo vệ (Ðiều 48); thẩm quyền và trách nhiệm áp dụng biện pháp bảo vệ (Ðiều 49); trình tự, thủ tục bảo vệ người tố cáo (Ðiều 50 đến Ðiều 55).

          Về các biện pháp bảo vệ người tố cáo (Ðiều 56 đến Ðiều 58), Luật Tố cáo đã đưa ra 03 biện pháp cụ thể bao gồm: bảo vệ bí mật thông tin; bảo vệ vị trí công tác, việc làm; bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm. Theo đó, nội dung bảo vệ của từng biện pháp được quy định bổ sung thêm để đảm bảo người tố cáo được bảo vệ tốt nhất về quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình như: lược bỏ họ tên, địa chỉ, bút tích, các thông tin cá nhân khác của người tố cáo ra khỏi đơn tố cáo và các tài liệu, chứng cứ kèm theo để quản lý theo chế độ mật khi giao cơ quan, tổ chức, cá nhân xác minh nội dung tố cáo; Xem xét bố trí công tác khác cho người được bảo vệ nếu có sự đồng ý của họ để tránh bị trù dập, phân biệt đối xử; Yêu cầu người có hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ chấm dứt hành vi vi phạm…Có thể nói, trách nhiệm bảo vệ danh tính, sức khoẻ, tinh thần, vị trí, công việc của người tố cáo đã được đặt lên hàng đầu, thể hiện quan điểm tôn trọng quyền tố cáo - quyền hiến định của công dân, một trong những công cụ giúp Nhà nước nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước.

          Luật Tố cáo năm 2018 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2019./.

Thanh tra tỉnh

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây